TRỞ VỀ MÁI NHÀ BĂNG
Ngày
30/10/2018 Trần Trọng
Quốc Khanh
Tóm
tắt đề mục:
[#1.]
Tầm vóc nhà băng lớn
[#2.]
Phòng họp hương vị Thiền
[#3.]
Miền tín dụng tâm linh
[#4.]
Đoạn kết không thể hết
[#1.] Tầm vóc nhà băng lớn
Nhà băng là một danh từ ghép nói về
ngân hàng (bank) mà thỉnh thoảng người ta vẫn sử dụng. Vào thời bố mẹ chúng tôi
cách đây nửa thế kỷ, người ta thường ghi chữ nhà-băng với một dấu gạch nối ở giữa. Nay, tuy không dùng dấu gạch
nối giữa hai hay nhiều từ ấy nữa, nhưng phần lớn sẽ hiểu ngay nhà băng là ngân
hàng, chứ ít ai liên tưởng về nhà băng giá cả. Dẫu có suy diễn thành nhà băng
giá hay nhà băng tuyết thì có sao đâu nào dù chẳng ra làm sao.
Nhờ duyên lành từ một số đồng nghiệp
ngân hàng, chúng tôi có dịp quay về thăm trụ sở mới của Ngân hàng Ngoại thương - Vietcombank
(VCB), tọa lạc trên khu đất vàng ở Sài Gòn, hướng nhìn ra Bến Bạch Đằng tuyệt
đẹp. Được biết, tòa cao ốc đã chính thức khánh thành vào năm 2015 theo thiết kế
mới, kiến trúc mới, công nghệ mới, nói chung là tuyệt vời so với đầu thập niên 1990,
nơi mà chúng tôi đã từng in dấu.
VCB là nơi đầu tiên ở Việt Nam cử
đoàn chúng tôi ra nước ngoài đi tập huấn nghiệp vụ kinh doanh ngoại hối (FX
dealer) vào năm 1993 ở độ tuổi mới ngoài 20, và cũng là tổ chức tín dụng Việt
Nam đầu tiên thành lập Phòng kinh doanh
ngoại hối (Dealing Room) trong giai đoạn 1993-1994 trước khi Việt Nam và
Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm 1995.
Một góc Dealing Room của Banque Nationale de Paris [1]
tại Singapore (1993).
tại Singapore (1993).
Nhớ lại sự kiện lịch sử khi Hoa Kỳ chính
thức dỡ bỏ lệnh cấm vận kinh tế Việt Nam vào năm 1994, vào thời điểm còn nhiều
khó khăn và thiếu thốn thông tin lúc đó, có thể nói ngoài giới chính khách ngoại
giao ra có lẽ chúng tôi là một trong những người đầu tiên biết tin này trước cả
giới truyền thông, bởi vì VCB là ngân hàng đầu tiên ở Việt Nam trang bị hệ
thống thiết bị của hãng tin Reuters
(Anh) [2],
chuyên cung cấp tỷ giá, giá vàng, giá chứng khoán, giá hàng hóa, lãi suất, phân
tích kỹ thuật (technical analysis), trang bình luận, bản tin tức… trên phạm vi toàn
cầu.
Những dòng tiêu đề đỏ rực ngập tràn
màn hình Reuters, đập vào mắt mình trong ô cửa sổ có từ khóa chuyên lọc tin về
Việt Nam. Lúc đó tuy mới 25 tuổi đời, còn non nớt về tuổi nghề, nhưng chúng tôi
cũng ý thức được tầm quan trọng của sự kiện lịch sử đó, nên chớp thời cơ dịch
bản tin ra tiếng Việt để chuyển bài đến một tòa soạn gần đó, vừa rèn luyện
tiếng Anh, vừa kiếm thêm nhuận bút. Lúc đó, một số đồng nghiệp ở các phòng/ban
khác nghe tin nóng hổi này liền hỏi thăm Dealing Room để có bản tin Reuters và
bày tỏ niềm vui chung.
Rất biết ơn VCB vì đó là ngân hàng
đầu tiên giúp chúng tôi nắm vững kiến thức tài chính-tiền tệ, tăng cường kỹ
năng tiếng Anh, trong đó có thuật ngữ Dealing Room, và tạo động lực dịch thuật
các bản tin tài chính-ngân hàng.
Tác giả trong chuyến công tác nước ngoài đầu tiên tại Singapore năm 1993. |
Chúc mừng các thế hệ trẻ tuổi, năng
động tại VCB đang thừa hưởng cơ sở vật chất và chất lượng đào tạo tuyệt vời để rèn
luyện nghiệp vụ và đóng góp cho xã hội trong ngành kinh tế mũi nhọn này. Với
lòng tri ân dành cho nơi đào tạo mình cách đây 28 năm, chúng tôi háo hức trở về
mái nhà băng [3]
trong năm 2018. Bước vào VCB Tower ngày nay không khác gì ghé vô một số trụ sở
ngân hàng lớn trong khu vực.
Tác giả tại VCB Tower (2018). |
Ở độ tuổi bây giờ, các khối bê tông
cốt thép cao ngút trời mây đó không phải là điều hấp dẫn nhất, dù chúng tôi đã
nói tòa kiến trúc hiện đại đó thật tuyệt vời… ông mặt trời. Vậy có điều gì khác
hấp dẫn hơn thế sao?
[#2.] Phòng họp hương vị Thiền
Chúng tôi được dắt đi tham quan một
số phòng ốc khang trang tại VCB và gặp lại một số đồng nghiệp năm xưa mà mình được
công tác chung từ năm 1990. Cho đến nay họ vẫn còn gắn bó nơi này với thâm niên
hơn ba thập kỷ. Tất cả mọi thứ đều thay đổi như chúng chưa bao giờ ngừng đổi
thay dù chỉ trong một giây: từ không gian đến thời gian.
Không gian mát mẻ, thoáng đãng, rộng
rãi, hiện đại, nói chung là thay đổi theo hướng tuyệt vời hơn trước đây rất
nhiều. Thế còn thời gian thì biết nói như thế nào cho có chừng mực nhỉ? Liệu có
thể nói một chút triết lý nhưng đừng quá lâm ly hay một chút tâm bi nhưng đừng
quá kiêu kỳ?
Nói một cách đầy chất “nghệ” pha màu
sắc phiêu bạt Ta-bà (Samsara), những thanh âm cuồng nộ của dòng thời gian đang
để lại những vết tích đặc trưng không gì bôi xóa được:
cắm sâu vào khóe mắt,
cắt sâu vào làn da,
cứa sâu vào dáng vóc,
cấy sâu vào màu tóc,
của một số đồng nghiệp năm xưa,
trong đó có những nhà lãnh đạo của chúng tôi thời đó.
Bất chấp những điều đang xảy ra như
thế, bất luận những chuyện đang diễn ra như vậy, chúng tôi vẫn tay bắt mặt mừng,
vui cười chào nhau, hỏi thăm sức khỏe, vấn an gia đình, tràn trề hy vọng bởi
chúng tôi là những người chọn lối sống tích cực, tràn đầy sinh lực, như một kỹ
thuật “hoán đổi” (swap) luôn luôn có
lợi mang tên: “lìa
hư vọng – lấy hy vọng”.
- “Khanh xem chỗ này, đảm bảo thích đấy”, một đồng
nghiệp cũ nói đầy vẻ tự tin.
Trong bụng thầm nghĩ “để rồi xem”, tuy nói vậy nhưng vẫn hợp
tác đi theo sự chỉ dẫn trong một tòa nhà hiện đại có nhiều lớp cửa kiểm soát an
ninh, bảo vệ cho khách hàng và ngân hàng. Thong thả đến nơi, cánh cửa mở ra,
chúng tôi bước vào.
- “Quào, thật là một phòng họp!”, tôi buột miệng nói.
Một phòng họp tại VCB Tower (2018). |
Không phải thích mà là quá thích khi
mục kích sở thích phòng họp này ngay trong “ánh
mắt đầu tiên tan giọt sương” [4],
tựa như “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy” [5].
Ủa, chỉ là một phòng họp thôi mà, việc gì phải thốt “quào” như thế? Sở dĩ vui
vẻ bày tỏ cảm xúc vì ngoài công năng sử dụng hiện đại ra, phòng họp này được
thiết kế rất đặc biệt với nhiều tượng Phật, kinh Phật và một số đầu sách Phật
học trong đó, được trưng bày một cách tinh tế, tao nhã theo mỹ thuật Phật giáo.
Ngay lập tức, chúng tôi tạm gọi không
gian đầy ấn tượng thị giác đó là “phòng
họp tâm linh”. Chúng tôi cảm thấy rất dễ chịu, an nhàn, bình tâm, khoan
thai, thư thái, nhẹ nhàng, thư giãn, bớt căng thẳng, nói tóm lại là “phê”, hiểu
theo nghĩa tích cực à nha. Một ý nghĩ chợt thoáng qua trong đầu rằng giả sử ngân
hàng và khách hàng đang trong thời kỳ “khó
ở” với nhau về một vấn đề nào đó, nếu cả hai cùng ngồi xuống đây họp bàn trong
bầu không khí bình an, giải tỏa căng thẳng bực bội tâm lý, có khi lại tìm ra giải
pháp hợp lý, sáng suốt có lợi cho cả đôi bên.
Tác giả tại phòng họp VCB Tower (2018). |
Với 25 năm trải nghiệm trong ngành
này, chúng tôi thấy rằng giữa khách hàng và ngân hàng luôn có vấn đề, không ít
thì nhiều. Đố quý vị thử tìm mối quan hệ nào giữa họ mà lại không có vấn đề gì
hết. Nếu không có, chắc hẳn đó chỉ là khách hàng tiềm năng mà ngân hàng chưa
thuyết phục được về với mình. Vậy cũng có vấn đề rồi đó, bởi vì bên này chiều chuộng (về phía ngân hàng), còn
bên kia chưa chịu (về phía khách
hàng), chẳng phải thế sao?
Không quan trọng là có bao nhiêu vấn
đề khúc mắc, mà là cách giải quyết chúng như thế nào mà thôi. Chẳng hạn, đối
với một khoản vay nợ xấu hoặc khó đòi (bad debt, doubtful accounts) có nguy cơ
rơi vào điệp khúc “nợ quá hạn trần gian”, nhà băng nên xử lý bằng trí lực hay “đuối
lý bằng bạo lực”?
Suy nghĩ thấu đáo sẽ thấy rằng không
ai muốn mắc nợ quá hạn cả, vì lo ngại tên tuổi mình bị “bêu rếu” trên Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt
Nam (Credit Information Center - CIC) thì sẽ khó vay nợ chỗ khác hoặc làm
ăn sau này. Chẳng có cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, kể cả ngân hàng nào làm ăn
đàng hoàng tử tế lại muốn bị gán cái mác xếp hạng tín dụng xấu (bad credit
rating), dù là xếp hạng tín dụng toàn
cầu (global credit rating) hay
chỉ là chấm điểm tín dụng cá nhân (personal credit scoring), chẳng qua họ
gặp khó khăn nhất thời hoặc trễ hạn thanh toán trong một thương vụ nào đó.
Một số sách Phật học và triết lý sống tại VCB Tower (2018). |
Việc xử lý nợ một cách máy móc có
khi vô tình thúc đẩy nợ quá hạn đến nhanh hơn để rồi chìm sâu trong cái “vũng
lầy tiền tệ tồi tệ” đó. Một khi nợ quá hạn vút cao như núi, vùi sâu như
biển thì cuối cùng cũng buộc phải xóa nợ
(write-off), ghi giảm giá trị khoản vay xuống zero, đưa ra khỏi bảng cân
đối kế toán (balance sheet) mà thôi. Có vui vẻ gì khi phải thành lập cái gọi
là “Khối
xóa nợ trần gian”? Nếu có khối này, chắc ai cũng cầu mong cho nó có ít việc
để làm hoặc “ôm” số liệu thấp nhất có thể.
Nếu xử lý bằng trí lực, cả hai cùng hợp
tác tìm giải pháp, có khi nợ quá hạn cũng xảy ra, nhưng không quá nghiêm trọng
vì khách hàng tìm cách khắc phục nhờ sự quan tâm động viên và hỗ trợ thực chất từ
ngân hàng. Nói cách khác, nhờ trí lực chúng ta đã gieo những hạt giống tích cực (positive seeds) cho khách hàng, cho
ngân hàng, cho chính mình và cho chúng mình luôn nhé.
Hoạt động tín dụng là một trong
những nghiệp vụ truyền thống của nhà băng mang lại thu nhập lãi vay kếch xù
trong tổng thu nhập của ngân hàng, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro trong quá
trình xử lý thu hồi nợ. Tất nhiên, chúng tôi thừa biết thực tế cuộc sống có khi
còn phức tạp, uẩn khúc và éo le lắm, và đây chỉ là suy nghĩ cá nhân trên tinh
thần hướng về đời, hướng về đạo.
Thế nhưng, giả sử nếu biết nợ quá
hạn là điều không thể tránh khỏi từ phía khách hàng, vậy giải pháp của ngân hàng sẽ là gì để hỗ trợ họ vượt qua giai đoạn khó
khăn đó?
[#3.] Miền tín dụng tâm linh
Đang tận hưởng một cảm giác vô cùng
dễ chịu trong “phòng họp tâm linh” đó, chúng tôi được thông báo tới giờ vào gặp
lãnh đạo VCB tại phòng làm việc riêng vào buổi chiều hôm ấy: Đó là chị Trương Thị Thúy Nga, Phó
tổng giám đốc VCB.
Chúng tôi vui mừng được gặp lại chị
Nga, và cảm ơn chị cho chúng tôi vào tham quan “phòng họp tâm linh” lúc nãy. Mọi
ý tưởng về thiết kế, sắp xếp, bố cục trong đó đều cho chị Nga quyết định, và
chắc cũng chỉ có chị mới nâng tầm một phòng họp lên mức độ tinh thần cao như
vậy.
Trước đó, trong một cuộc gặp trao
đổi công việc với một người bạn hiện đang công tác tại một ngân hàng khác, mà vào
đầu thập niên 1990 cả hai chúng tôi đều làm việc tại VCB, người này bất ngờ đổi
đề tài:
- “Anh Khanh nghiên cứu Phật học, có biết chị Nga ấp ủ đề tài gì không?”, người bạn hỏi.
- “Không, anh có nghe gì đâu”,
tôi thật tình đáp.
- “Trời, chị Nga nghiên cứu tín dụng tâm linh mà không biết sao?”, người bạn tỏ ý trêu tôi lạc hậu thông tin.
Thú thật, khi nghe người bạn nhắc
đến chị Nga, bốn chữ “tín dụng tâm linh” vang lên trong đầu và tạo ấn tượng rất
mạnh mẽ. Về mặt ngôn từ, đó là lần đầu tiên được nghe về một chủ đề có tên tín
dụng tâm linh, hết sức độc đáo và đặc biệt.
Với chị Trương Thị Thúy Nga, Phó tổng giám đốc VCB (2018). |
Sau đó, chúng tôi được biết trong
nhiều năm vừa qua chị Nga rất nhiệt tình đi chia sẻ câu chuyện nghề nghiệp,
kinh nghiệm quản lý, sự cân bằng giữa công việc và gia đình cho các Phật tử tại
một số chùa chiền, Thiền viện, cũng như tham gia tích cực vào các hoạt động
thiện nguyện, đóng góp cho xã hội. Buổi gặp chị Nga tại trụ sở VCB vào buổi
chiều hôm đó cũng giải đáp phần nào cho trí tò mò về một đề tài đặc biệt chưa
bao giờ nghe nói đến: Tín dụng tâm linh.
* * * * * * *
* * *
Nếu ai đó chỉ chuyên về một lĩnh vực
tín dụng hoặc tâm linh thôi, thì làm thế nào kết nối được với một lĩnh vực khác
mà mình không nắm rõ? Nếu không chuyên cả hai lĩnh vực đó luôn, lại càng trở
nên “ú ớ” vì vốn chẳng có dữ liệu lưu trữ gì trong tâm trí để có thể bàn về tín
dụng và tâm linh cùng một lúc được.
Một chút may mắn đó là nhờ kinh
nghiệm 25 năm công tác ngân hàng và gần 20 năm tìm hiểu Phật học, chúng tôi có
biết đôi chút về cả hai chủ đề tín dụng và tâm linh. Tuy nhiên, từ trước đến
nay, cứ ngỡ chúng là hai phạm trù hoàn toàn độc lập hay hai khối rời rạc thiếu
mạch lạc, theo kiểu “chúng nó không thuộc về nhau”, chứ chưa bao giờ nghĩ rằng chúng
lại có thể liên kết với nhau như vậy.
Trên thực tế, không thể nào tìm ra
bất kỳ một sự vật-hiện tượng nào hay một pháp thế gian nào lại có thể tồn tại hoàn
toàn độc lập, đứng riêng rẽ một mình mà chẳng có sự liên thuộc tương tác lẫn
nhau trong một số điều kiện nhất định, mà nhà Phật thường gọi là pháp Duyên khởi (dependent origination).
Có chăng là chúng ta cố tình, cố ý đặt
giữa chúng một dấu trừ to tướng (loại
trừ, diệt trừ, khước từ, kháng cự...) tựa như một “hàng rào kẽm gai” ngăn cách ghim sâu trong cái tâm thức hẹp hòi, trong
cái trí nhớ nhỏ nhoi [6].
Kể cả khi chúng ta có động cơ tạo tác thành một dấu trừ loại trừ to tướng và
tinh tướng đến như thế, các sự vật-hiện tượng hay các pháp thế gian vẫn tự tìm
đến nhau, hội tụ sum vầy, đâm hoa kết trái khi hội đủ nhân duyên mà không gì có
thể ngăn cản được, bất luận chúng ta có thích hay không thích.
Thích hay không thích thì cũng vô
ích mà thôi, bởi vì các pháp thế gian vẫn luôn duyên hợp, duyên sanh, duyên
khởi, duyên lành với nhau để xuất hiện trong ‘tiền cảnh hợp’, để tan biến trong
‘hậu cảnh tan’, bất luận ai đó cứ thét gào trong cái sự ồn ào huyên náo. Thấu
rõ đạo lý ấy, thích thì vẫn lành, thích thì vẫn hơn, thích cho đời phấn khích,
thích cho người khuyến khích: thích là
tùy duyên, không thích là vô duyên, ít ra cũng trong ngữ cảnh này.
* * * * * * *
* * *
Chủ nhân của đề tài “Tín dụng tâm
linh” càng lúc càng cao hứng, tuy nhiên câu chuyện chia sẻ của chị Nga thường
xuyên bị ngắt quãng bởi những cuộc điện thoại gọi đến từ nhân viên, khách hàng,
đối tác. Thấy chị nghe điện thoại liên tục như vậy, sợ ngồi lâu làm mất thời
gian của chị, nên nãy giờ người cứ nhấp nhổm muốn cáo lui hẹn dịp khác. Tranh
thủ lúc chị trả lời điện thoại, đã làm nhanh vài câu trong đầu và cũng tính sẽ
chào tạm biệt chị bằng một câu thơ cáo lui với chút niềm vui:
Chuyện
còn dài
Đời
còn dài
Lòng
tự tại
Hương
vị lai!
Kịch bản đã xong xuôi, đang tìm cách
cáo lui, thì đùng một cái, bỗng dưng muốn… ngắm một nàng thư ký xinh đẹp trong
tà áo dài thướt tha, đầy gấm vóc lụa là bước vào thông báo có một đoàn công tác
từ Hà Nội mới vào Sài Gòn muốn tham vấn chị, họ đang chờ ở tầng trên.
Chớp ngay thời cơ tốt, không cần
phải văn vần, chúng tôi phát văn xuôi:
- “Dạ, chị đi thì em về ạ”, tôi xin phép.
- “Không, cứ ngồi đấy, chị đi dăm ba phút rồi quay lại”,
chị bảo.
Ngay lập tức chị Nga bước ra khỏi
phòng làm việc của mình. Thế là văn vần lẫn văn xuôi không phát huy tác dụng.
Đó chẳng phải là “mưu sự tại nhân, thành
sự tại thiên” mà chúng ta vẫn thường nói hay sao. Chúng tôi vui vẻ ngồi yên
trong niềm tùy duyên hoan hỉ. Gọi là ngồi yên cho nó có vẻ oai nghi thế thôi,
chứ chẳng yên được bao lâu chúng tôi liền bật dậy khỏi ghế và tiến sát bên khung
cửa sổ lắp kính trong suốt có góc nhìn trải rộng bao la.
Ôi chao, một khung cảnh sống động
đầy thơ mộng như một đoạn phim đời đang diễn ra trên Bến Bạch Đằng. Dòng người
và xe cộ hối hả ngược xuôi qua lại, thấp thoáng xa xa thuyền bè chuẩn bị nhổ neo,
chậm rãi lướt sóng trên nhánh sông Sài Gòn êm đềm trong một chiều phảng phất
mưa bay. Trong cái bức tranh đời hiện thực đó, tự nhiên lòng mình nổi máu nghệ
sĩ, mà đúng hơn là máu học sĩ. Ngay
lập tức, những dòng ký ức từ tâm thức chiết xuất ra hai gói dữ liệu gắn kết với
tâm trạng tuyệt vời lúc đó: một về lịch
sử (history), một về giai điệu
(melody).
Từ phòng làm việc của chị Nga, nhìn
xuống thấy rất rõ tượng đài Đức Thánh
Trần - Đại tướng quân Hưng Đạo Đại
Vương, dáng oai phong lẫm liệt, thế anh hùng hào kiệt, sừng sững ngút trời
cao, chỉ tay sóng ba đào, giúp ôn lại lịch sử về các trận chiến thắng vang dội,
vang danh Bạch Đằng Giang của dân
ta. Cứ mỗi lần ôn lại câu chuyện lịch sử đó thì luôn luôn có cảm giác tự hào ở một
cao trào mới.
Với một căn phòng trên tầng cao, có
góc nhìn trải rộng, không bị che khuất tầm mắt, được ngắm nhìn con người và cảnh
vật trên đường phố và trên dòng sông như thế này, thì từ khóa thường trực ở cửa
miệng của giới kinh doanh môi giới bất động sản đó là: view đẹp. Riêng đối với chúng tôi, căn phòng này gợi nhớ đến ca
khúc “Room With A View” [7]
(tạm dịch “Căn phòng rộng hướng nhìn”), mà quý vị có thể tự tìm hiểu ca từ
sâu sắc của nó.
* * * * * * *
* * *
Đang yên ổn thưởng thức trong hoài
niệm về lịch sử và âm nhạc như thế, bất thình lình cánh cửa mở ra, chị Nga bước
vào. Tác giả của đề tài “Tín dụng tâm linh” tiếp tục câu chuyện bỏ dở, càng lúc
càng hứng khởi, tràn đầy năng lượng hơn so với lúc nãy với câu chuyện tâm huyết
của mình.
Đến gần xế chiều, tuy câu chuyện còn
hấp dẫn, nhưng đành tạm gác lại để chị Nga giải quyết công việc cuối ngày. Trước
khi chào tạm biệt, chị hỏi:
- “Khanh, trong số sách Phật học ở phòng họp, em thích quyển nào?”
- “Dạ, hầu như em tạm đủ tựa sách Phật học rồi. Nếu được, chị cho
em chọn quyển sổ tay “Giá trị vĩnh hằng”
(Timeless Values) ạ.”
- “Vậy à, sổ tay này có nhiều phiên bản, để chị tặng em một
quyển nhé.”
- “Dạ vâng, cảm ơn chị”.
Chúng tôi được tặng quyển “Giá trị vĩnh hằng” của phiên bản 2016,
đánh dấu 40 năm thành lập Chi nhánh VCB HCM (1976-2016). Phiên bản này gây ấn
tượng đối với chúng tôi vì sự xuất hiện khéo léo của chữ “Tâm” được trình bày bằng nghệ thuật thư pháp lồng vào con số 40, và
có chữ ký tặng của chị trên đó.
Sổ tay “Giá trị vĩnh hằng” (Timeless Values) 2016 của VCB. |
Trong quyển sổ tay này, chị Nga chia
sẻ những câu nói tâm đắc của mình về sự tận hiến đầy đam mê trong nghề nghiệp,
lời tri ân và cầu chúc tốt đẹp dành cho khách hàng và đồng nghiệp, và những
ngôn từ truyền động lực mang nhiều giá trị tinh thần khác.
Lời nói đầu trong Sổ tay “Giá trị vĩnh hằng” (Timeless Values) của VCB (2016). |
Không lâu sau đó và cũng là hữu
duyên, chúng tôi lại có dịp quay trở lại VCB Tower khi chị Nga đứng ra tổ chức
một buổi hội thảo, trong đó chị mời Thầy
Minh Niệm đến chia sẻ đề tài “Đồng
hành cùng con bằng trái tim hiểu biết” vào tháng 09/2018. Rất cảm ơn chị đã
tạo điều kiện cho cựu nhân viên đăng ký tham dự hội thảo.
Chị Trương Thị Thúy Nga chụp hình lưu niệm cùng với Thầy Minh Niệm và các đồng nghiệp (2018). |
Buổi chia sẻ hôm đó có lồng vào câu
chuyện Phật học kéo dài ba tiếng đồng hồ sau giờ làm việc, thu hút nhiều cán
bộ-nhân viên, khách hàng, đối tác, trong niềm hoan hỉ của mọi người, vì được Thầy
Minh Niệm giải đáp câu chuyện tâm lý giáo dục và xử lý mối quan hệ mâu thuẫn
giữa cha mẹ, vợ chồng và con cái trong xã hội ngày nay.
[#4.] Đoạn kết không thể hết
Một làn gió mát rượi từ nhánh sông
Sài Gòn êm đềm trong một buổi chiều mưa nhẹ phảng phất đậm chất Thiền làm chợt
tỉnh ra rằng: À, tín dụng thuộc về chủ đề tư
vấn tài chánh (financial advisory), còn tâm linh thuộc về chủ đề tư vấn tinh thần (spiritual advisory).
Giới lãnh đạo cấp cao nơi đây thông
qua kinh nghiệm dẫn dắt của chị Nga trong nhiều năm muốn kết nhẹ một tràng hoa
mang hình dấu cộng tươi đẹp vào hai pháp tín dụng và tâm linh. Làm sao cộng
được chúng vào nhau? Liệu cô nàng “Tín
Dụng” sành điệu có thể hay có chịu “sánh duyên cùng” anh chàng “Tâm Linh” vi diệu không nhỉ? Tại sao
được, tại sao không?
Tác giả tại VCB Tower (2018). |
Những đường nét chấm phá về mặt tinh
thần của chúng tôi khi đề cập đến vay nợ nhà băng như đã nêu ở những phần trên cũng
không nằm ngoài câu chuyện mưu sinh kiếp người. Tuy nhiên, muốn hiểu rõ chân
tướng đề tài “Tín dụng tâm linh”, không gì tuyệt vời hơn là nên hẹn gặp hỏi
trực tiếp chị Nga, người gieo mầm ý tưởng đặc biệt này, và cho tới giờ này chắc
cũng chỉ có chị mới hội đủ khả năng và sự trăn trở dành riêng cho chuyên đề độc
đáo này mà thôi.
Với thâm niên hơn hai thập kỷ trong
ngành ngân hàng ở vai trò nhà lãnh đạo và rất nhiều năm nghiên cứu Phật học
chuyên sâu ở vai trò người hành đạo, có lẽ chị Nga có đủ tài liệu, dữ liệu, tư
liệu, nói chung là nguyên vật liệu, cùng với cơ duyên và nội lực để bảo vệ quan
điểm “Tín dụng tâm linh” dưới ánh sáng Phật pháp, như một sự gắn kết tuyệt vời
giữa đời và đạo.
Hãy nên gặp trực tiếp, hãy nên hỏi
trực diện, không nên nghe một chiều, chớ nên nghe kể lại, vì những lời tường
thuật trong trường hợp đặc thù này rất dễ bị “tam sao thất bổn” khi tần số sóng
truyền dẫn còn yếu, còn “chập chờn trong dỗi hờn” của câu chuyện thế gian.
Biết kết chưa phải hết, nên ghi lại
vài dòng:
Trở
về mái nhà băng
Trở
lại sóng tiềm năng
Trở
đúng thế cân bằng
Trở
hướng bến hoa đăng.
Financially yours,
-----
-----
ThS. Trần Trọng Quốc Khanh
(a.k.a. Kingsley Truman Tran)
(a.k.a. Kingsley Truman Tran)
Chứng chỉ Singapore
College of Insurance
Chứng chỉ Manulife Vietnam
Chứng chỉ Manulife Vietnam
gìn Lộc giữ Lời | gìn
Đời giữ Đạo
09 06 99 99 00
09 06 99 99 00
[1] Ngân hàng
Pháp Banque Nationale de Paris đã
đổi tên thành BNP Paribas sau khi sáp nhập với Paribas vào năm 2000.
[2] Thomson Corporation đã mua lại Reuters và đổi tên
thành Thomson Reuters vào năm 2008.
[3] lấy cảm hứng từ bài hát gốc tiếng Napoli
“Torna a
Surriento” (tiếng Anh “Come Back to Sorrento”), được nhạc sĩ Phạm
Duy chuyển lời Việt “Trở về mái nhà xưa”.
[4] trích nhạc “Một
lá thư nhạc” của mộc.quốckhanh.
[5] trích thơ “Lời than thở của nàng Mỹ thuật” của Thế Lữ.
[6] trích nhạc “Ru ta ngậm ngùi” của Trịnh Công Sơn.
[7] trích nhạc “Room With A View” của Tony Carey.
[1]
Ngân hàng
Pháp Banque Nationale de Paris đã
đổi tên thành BNP Paribas sau khi sáp nhập với Paribas vào năm 2000.
[3]
lấy cảm hứng từ bài hát gốc
tiếng Napoli “Torna
a Surriento” (tiếng Anh “Come Back to Sorrento”), được nhạc sĩ Phạm
Duy chuyển lời Việt “Trở về mái nhà xưa”.